Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

Vụ mang thai 21 tháng: Hé lộ đường dây "làm" thai giả?

Thai phụ Nguyễn Thị Chiến
Thai phụ Nguyễn Thị Chiến

Thời gian vừa qua dư luận xôn xao về một bà mẹ mang thai đến tháng thứ 21 mà vẫn chưa sinh con. Trong khi dư luận còn đang đặt nhiều câu hỏi cho trường hợp này thì bà mẹ tương lai bỗng nhiên “biến mất”. Đi sâu tìm hiểu vụ việc, qua cuộc nói chuyện với mẹ chồng của thai phụ, PV đã phát hiện những chi tiết hé lộ nghi án về một đường dây "làm" thai giả.

Còn nhiều trường hợp mang thai trên 12 tháng!?

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến (Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương) thì chuyện một người phụ nữ mang thai 21 tháng một cách bình thường là chuyện không thể xảy ra. Nếu chị Chiến đã mang thai đến 21 tháng mà vẫn chưa sinh con thì có thể xảy ra trường hợp như là rau tiền đạo trung tâm và cài răng lược; hoặc đó có thể là một khối u buồng trứng chiếm hết cả ổ bụng, to bằng cái thai 9 tháng. Những trường hợp trên đều là những bệnh khá nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của thai phụ.

Thế nhưng khi chúng tôi hỏi bà Thược (mẹ chồng của chị Chiến) thì được biết sức khỏe của con dâu bà vẫn khá tốt, đi lại làm việc bình thường, vẫn "phóng xe ầm ầm". Bà Thược còn cho biết, ngày trước chị Chiến cũng một lần thông báo với gia đình là đã có thai được 2, 5 tháng, nhưng lần đó chị Chiến cũng tự lên bệnh viện khám và về nhà nói là bị sảy thai chứ người nhà cũng không có ai đi cùng chứng kiến.

Tìm đến trạm y tế xã Hoàng An (Hiệp Hòa - Bắc Giang), dù trời mưa khá to và vào ngày Chủ nhật nhưng khi nghe tin có phóng viên đến tìm hiểu thông tin, bác sĩ Hoàng Văn Bình (trưởng trạm y tế xã Hoàng An) vẫn đội mưa đến trạm và tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình.

Về chuyện của người mang thai 21 tháng - chị Nguyễn Thị Chiến, bác sĩ Bình cho biết: Sau khi nghe tin chị Chiến có thai bác sĩ của trạm cũng đã đến thăm hỏi rồi vận động đi khám, uống, tiêm thuốc nhưng đáp lại chị Chiến bảo đã đi khám ở bệnh viện Trung ương và bệnh viện tư rồi, thiếu mỗi bệnh viện nước ngoài là chưa đi thôi, tình hình vẫn ổn nên không không cần phải đến trạm nữa. Nhưng lạ một điều là chị Chiến cũng không mang ra một giấy tờ nào cho thấy mình đã đi thăm khám tại các bệnh viện đó cả.

Thời gian vừa rồi trong làng, rồi trên báo chí cũng đưa tin ầm ĩ về cái thai lạ nằm lì suốt 21 tháng không chịu ra, chị Chiến cũng không cho ai thăm khám hay xem bụng mình, có hỏi thì chị Chiến bảo đã đi khám thường xuyên ở bệnh viện rồi. Sốt ruột vì mãi vẫn chưa được làm bố, trong khi những người có thai cùng thời gian với vợ mình thì đã có con bồng con bế, đã có lần anh Tuấn (chồng của chị Chiến) gặp bác sĩ trong trạm nhờ thăm khám rồi xem có chuyện gì, hay là trường hợp của vợ mình phải mổ, song cũng không nhận được sự hợp tác của chị Chiến.

Sửng sốt hơn, khi tôi hỏi về chuyện tại sao cái thai đã sang đến tháng thứ 21 mà vẫn chưa chịu bong, bác sĩ Bình cười nói, sau khi báo chí đưa tin tại xã Hoàng An có người mang thai 21 tháng thì đồng nghiệp ở mấy xã lân cận cũng chia sẻ: "Có gì lạ đâu, xã tôi cũng có vài trường hợp nữa cũng đã ôm bụng đến 15 - 16 tháng rồi mà cũng chưa thấy sinh nở gì, bụng thì vẫn cứ to nhưng trẻ con thì đợi mãi vẫn chẳng thấy đâu". Như vậy liệu có uẩn khúc gì khiến những bà mẹ trên lại mang thai đến hơn 12 tháng thậm chí là 21 tháng như trường hợp của chị Chiến?

Chồng đủ 10 triệu đồng... khắc sinh được con à!

Tại nhà của vợ chồng chị Chiến, chúng tôi được bà Thược (mẹ chồng chị Chiến) chia sẻ rất thân tình. Bà cho biết giờ anh Tuấn đã lên Hà Nội làm việc bình thường còn chị Chiến thì về nhà bố mẹ đẻ ở Lục Nam tĩnh dưỡng chứ không có chuyện chị Chiến mất tích, thậm chí có người còn bảo chị vác cả của cải trong nhà bỏ đi như nhiều người đồn đại.

Bà Thược cho biết, thời gian đầu do cũng còn nhiều hoang mang không hiểu tại sao con dâu mình lại mang thai đến 21 tháng mà vẫn chưa đẻ được nên mỗi khi được hỏi cũng chẳng biết phải nói sao cho đúng. Điều đó dẫn đến việc có nhiều tin đồn, thêu dệt xung quanh câu chuyện của cô con dâu bà.

d

Ngôi nhà vắng vẻ hiện tại của gia đình anh Tuấn, chị Chiến

Bà Thược cũng khen con dâu là một người khá xinh đẹp lại ngoan ngoãn và nhanh nhẹn, trong cuộc sống cũng không để lại điều tiếng gì để gia đình phải phiền lòng.

Về việc chị Chiến mang thai thì bà thấy bụng chị Chiến cũng phát triển bình thường như các thai phụ khác, nhưng điều hơi lạ là dù mang thai đến 21 tháng nhưng ngực chị Chiến vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì cho thấy cơ thể có những biến chuyển để chuẩn bị đón đứa con ra đời. Thời gian đầu cũng thấy hiện tượng nghén, rồi giãn gân, đau cơ nhưng về cơ bản là chị Chiến vẫn khỏe.

Một điều lạ nữa là những lần đi khám thai chị Chiến đều đi một mình hoặc với người ngoài chứ không đi với người trong gia đình. Mỗi lần đi khám như thế, chị Chiến mang theo ít cũng phải gần một triệu đồng. Có lần, chị Chiến cũng mang về cho gia đình xem cả phim siêu âm trắng đen có hình đứa trẻ, nhưng tên của người khám chụp trên phim thì lại không phải tên của chị Chiến, khi hỏi thì chị Chiến bảo do sự sơ suất, nhầm lẫn của nhân viên y tế. Phim chụp đó hiện bà Thược cũng không còn lưu giữ.

Với tâm lý và kinh nghiệm của một bà mẹ từng trải và yêu thương con, mong đợi sự ra đời của đứa cháu đích tôn, bà Thược cũng rất quan tâm chăm sóc con dâu nhưng mỗi khi muốn tiếp xúc với đứa cháu thì chị Chiến đều tìm lý do thoái thác. Thậm chí anh Tuấn - chồng của Chiến cũng không được gần gũi với "con mình". Cũng có lần chị Chiến bảo bị đau đầu rồi uống mấy viên thuốc lạ, bà Thược can ngăn thì chị Chiến bảo con uống mấy viên cho đỡ đau chứ chả sao đâu (!).

Chờ đợi mòn mỏi gần 2 năm, cũng nhiều lần bà Thược sốt ruột đặt vấn đề đưa chị Chiến lên bệnh viện Trung ương khám chụp rồi xem tình hình thế nào để biết đường xử lý nhưng chị Chiến vẫn một mực khẳng định là "con vẫn khoẻ, đúng 24 tháng con sẽ đẻ" (!?).

Mấy hôm trước chị Chiến nói với bà Thược rằng: "20 dương này (20/8 -PV) con sẽ đẻ. Chiến nói đúng ngày 20/8 đến cổng bệnh viện phụ sản mang theo 10 triệu đồng và giấy tờ, khắc có người mặc quần áo bác sĩ ra đón. Cứ giao đủ tiền thì khắc đẻ được. Gia đình cứ yên tâm vì cũng có người như con..., họ phải chờ đến 19 tháng 7 âm này (tức 28/8- PV) mới đẻ được cơ mà".

Bà Thược nghe con dâu nói cũng thực sự không biết ra sao vì cái bụng của chị Chiến vẫn như đang mang thai, vả lại Chiến cũng luôn khẳng định với gia đình là mình vẫn đi thăm khám thường xuyên, cái thai 21 tháng là chuyện bình thường, đến ngày khắc sẽ đẻ được (!?).

Thêm một chi tiết nữa mà báo chí đã đưa tin là chị Chiến nói rằng đã đi khám tại phòng khám siêu âm Nhiên Sơn của bác sĩ Hoàng Thị Sơn, và cung cấp cả số điện thoại của bác sĩ Sơn. Khi gọi theo số máy này thì có người trả lời, tự nhận là bác sĩ Sơn và xác nhận việc chị Chiến đã đến khám. Nhưng khi gặp trực tiếp thì bác sĩ Sơn lại khẳng định mình chưa hề khám chữa cho bệnh nhân nào là Nguyễn Thị Chiến ở xã Hoàng An cả. Bác sĩ này khẳng định nếu gặp trường hợp thai trên 42 tuần tuổi thì cũng phải yêu cầu thai phụ nhập viện ngay chứ không thể coi như chuyện bình thường. Hai số điện thoại mà chị Chiến đưa ra, bác sĩ Sơn cũng khẳng định đó không phải là số điện thoại của mình!

Vậy ở đây liệu có điều gì uẩn khúc xung quanh cái thai 21 tháng chưa chịu bong. Ai là người đã trả lời điện thoại và tự nhận là đã thăm khám cho chị Chiến? Ai là người "bác sĩ" đã hẹn Chiến ở cổng bệnh viện phụ sản, và ra giá 10 triệu đồng để "mẹ tròn con vuông"? Và nếu đúng là "mẹ tròn con vuông" thật thì đứa con sinh ra ấy có phải là đứa con đã nằm trong bụng mẹ 21 tháng?

Tìm hiểu kỹ hơn về gia đình của chị Chiến, PV được bà Thược cho biết thêm, thời gian gần đây sau khi báo chí đưa tin rầm rộ về chuyện "cái thai 21 tháng" thì thấy có một số đối tượng lạ mặt hay lảng vảng gần nhà thăm dò, thậm chí còn vào cửa hàng của gia đình nói là mua bút, phong bì nhưng vừa mua vừa ngó nghiêng, dò la.
Đặc biệt thời gian gần đây khi mọi chuyện vỡ lở, anh Tuấn có hỏi chị Chiến về sự thật của mọi chuyện thì chị Chiến nói "em không dám nói ra vì nói ra thì trong nhà sẽ có người bị hại" (!?).

Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ những bí ẩn xung quanh câu chuyện này. Việc chị Chiến ôm thai 21 tháng là có thật hay chị Chiến chỉ là nạn nhân của một đường dây lừa đảo. Và nghiêm trọng hơn lại có những thông tin về việc không chỉ có mình chị Chiến ôm thai lạ mà còn có nhiều phụ nữ khác cũng mang thai đến 15 - 16 tháng, hay "đến tận 19 tháng 7 này mới sinh" như một trường hợp mà chị Chiến đưa ra. ĐS &PL sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.


Theo ĐSPL

Lời thú nhận của sản phụ mang “bầu 21 tháng”

01/09/2010 08:01
(VTC News) – “Tôi biết câu chuyện tôi thú nhận thật khó tin vì cho tới giờ ngay chính bản thân tôi vẫn không lý giải nổi vì sao trong một thời gian dài như vậy tôi có thể nói dối được gia đình và khi không thể giấu tiếp được nữa, mọi chuyện vỡ lở tôi lại không thể hiểu được tôi bị như vậy là do đâu. Tôi không hiểu tại sao việc tôi làm, tôi gây ra mà tôi lại không nhớ lại được. Tôi đã làm mất đi niềm tin của những người thân… Tôi chỉ có một mong ước được chồng tôi, gia đình nội ngoại tha thứ cho tội lỗi này… Tôi khát khao được làm mẹ!” Chị Nguyễn Thị Chiến ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, người được cho là sản phụ mang bầu 21 tháng đã thú nhận về sự thật việc mang bầu của mình với phóng viên VTC News.

Vào những ngày cuối tháng 8/2010, sau khi những loạt bài về sản phụ mang bầu 21 tháng ở Bắc Giang được đăng tải trên VTC News thì bất ngờ phóng viên nhận được tin nhắn từ số điện thoại của sản phụ Nguyễn Thị Chiến tâm sự về sự thật việc mang bầu 21 tháng của mình.

Hơn 30 dòng tin chứa đầy âu lo và day dứt gửi đến điện thoại của PV trực tiếp thực hiện bài viết này. Chị tâm sự về cuộc sống hôn nhân của mình cũng người chồng chị hết mực thương yêu. Trải qua những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, anh chị đã đến được với nhau: “Nhưng ông trời đã không thương cho phận tôi, tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường và khát khao lớn lao nhất của tôi là được làm mẹ, nhưng sao ông Trời không cho tôi điều đó”.

Với khát khao được làm mẹ, sau lần sảy thai chị Chiến đau khổ đến tột cùng. Và cũng từ đó chị đã biết được sự thật rằng chị sẽ mãi không thể mang bầu trở lại. Nhưng chị đã giấu chồng và gia đình về việc này. Người phụ nữ này âm thầm đi khám thai lại một mình để biết rõ tình trạng sức khỏe của mình.

Như "người chết vớ được cọc", trong lúc chờ đợi trong vô vọng ở phòng khám thì Chiến nghe được câu chuyện của hai sản phụ hiếm muộn đi khám thai cùng mình đang trao đổi số điện thoại về một “ông thầy” có thể giúp mình cầu thai để có con. Chị đã ghi lại số điện thoại này và gọi điện cho người đàn ông đó.

Vị "bác sĩ” này vui vẻ nhận lời giúp Chiến nhưng với một điều kiện: phải giấu kín chuyện cầu thai này cho đến khi sinh con. Chiến đành lòng nhận lời với hy vọng: "còn nước còn tát". Nhưng điều người phụ nữ này không ngờ tới là quãng thời gian chờ đợi lại dài lâu đến tuyệt vọng như thế.


Chị Chiến với cái bụng bầu rất to.

Sau lần cầu thai đó, một thời gian sau Chiến thực sự ngạc nhiên khi thấy bụng mình cứ to dần lên. Ngỡ rằng lời cầu thai đã linh ứng, Chiến vui mừng khôn xiết. Cả gia đình bên nội, bên ngoại cũng mừng vui cho vợ chồng anh chị Tuấn - Chiến. Cũng trong thời gian này, anh Tuấn phải đi công tác xa thường xuyên, một mình chị với cái bụng cứ to dần lên.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Sau một vài lần đi khám thai, Chiến hiểu rằng mình không mang thai và liệu pháp của vị bác sĩ kia chỉ mang lại cho chị một hình dáng giống một phụ nữ đang mang bầu.

Nhưng để làm vui lòng gia đình, Chiến mua những giấy tờ về kết quả khám thai tại một số phòng khám tư.


Điều mong muốn nhất của chị là khát khao có được một đứa con cho chồng, khát khao được làm mẹ, như bao người phụ nữ bình thường khác.

Bà Thược mẹ chồng chị Chiến chia sẻ với PV về việc con dâu mang bầu 21 tháng.

Những dòng tin nhắn cuối cùng của chị Chiến cho chúng tôi đẫm đầy nước mắt: “Tôi đã lừa dối chồng, lừa dối gia đình chồng, lừa dối bố mẹ đẻ của tôi. Tôi không phải là một người con tốt, một người vợ tốt. Giờ đây tôi đang vô cùng đau khổ, lương tâm tôi cắn dứt, lòng tôi đau quặn xé…Tôi đã làm mất đi niềm tin của những người thân… Tôi chỉ có một mong ước là được chồng tôi, gia đình nội ngoại tha thứ cho tội lỗi này…Tôi khát khao được làm mẹ…!”.

Sau những chuyện vừa xảy ra, chị Chiến rất mong muốn được sự tha thứ của tất cả mọi người đã theo dõi về câu chuyện của mình: “Nếu ai đó ở trong hoàn cảnh như tôi có lẽ sẽ phần nào hiểu được khát khao mong muốn trở thành một người mẹ của người phụ nữ. Những điều tôi nói dối gia đình tôi và mọi người có lẽ sẽ không thể tha thứ. Những ngày tháng đã qua tôi đã luôn sống trong tâm trạng lo âu, sợ sệt. Nhưng lần cuối cùng tôi mong được sự bình an cho cuộc sống này. Cầu cho gia đình chồng tôi, bố mẹ đẻ và những người thân của tôi hạnh phúc và bình yên…”

Dương Lãng Hoàng

Hé mở sự thật về sản phụ mang thai 21 tháng ở Bắc Giang

(Dân trí) - Theo lời bà Thược, hàng tháng chị Chiến đi khám thai khoảng 3-4 lần, lần nào cũng có vẻ kín đáo, bí mật. “Hầu hết những lần đi khám, con dâu tôi đều đi một mình. Lần nào đi cũng mang theo bảy trăm, một triệu, nhiều thì vài triệu...”.
>> Thực hư chuyện mang thai gần 2 năm chưa đẻ
>> Tại sao có hiện tượng mang thai giả?
>> Hai cơ sở bốc thuốc mang thai ảo bị thu hồi giấy phép

Trước những bàn tán sôi nổi của dư luận về câu chuyện sản phụ Nguyễn Thị Chiến ở thị trấn Thắng (Hoàng An, Hiệp Hòa, Bắc Giang) mang thai 21 tháng vẫn chưa sinh, PV Dân trí đã tìm về địa phương tìm hiểu thực hư sự việc.

Sản phụ mang thai 21 tháng đã bỏ trốn

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang vốn là tổ ấm của chị Nguyễn Thị Chiến và anh Dương Văn Tuấn, bà Nguyễn Thị Thược - mẹ chồng chị Chiến - buồn bã kể: “Ngay từ những ngày đầu tiên khi thấy bụng con dâu ngày càng to, tôi cũng rất tin nó đã có thai. Nhưng khi đã quá ngày mà chưa thấy con dâu sinh nở, cả nhà giục đi khám nhiều lần nhưng nó đều nói vừa khám trên quê ngoại và thai nhi vẫn rất tốt.

Thế nhưng, nhiều lần tôi bắt gặp con dâu uống thứ thuốc viên. Lo cho cháu trong bụng, tôi có hỏi thì con dâu đều bảo rằng thuốc đau đầu và có vẻ khá hoảng hốt. Với kinh nghiệm của người đã sinh nở, tôi cũng đã rất băn khoăn về nhiều biểu hiện của con dâu không giống với người sắp sinh nở”.

Bà Nguyễn Thị Thược: Sự việc xảy ra làm tôi rất hoang mang. (Ảnh: Anh Thế)

Theo lời kể của bà Thược thì hàng tháng, chị Chiến đi khám thai khoảng 3 đến 4 lần nhưng lần nào cũng có vẻ kín đáo, bí mật. Bà cho biết: “Hầu hết những lần đi khám, con dâu tôi đều đi một mình. Lần nào đi cũng mang theo bảy trăm, một triệu, nhiều thì vài triệu. Có lần, con dâu có bảo tôi là đi cầu con”.

Cách đây hơn 10 ngày, từ khi dư luận bàn tán xôn xao câu chuyện chị Chiến có thai một cách lạ kỳ, chị Chiến đã bỏ trốn khỏi gia đình một cách đầy nghi vấn mà đích thân bà Thược cũng không hề biết nguyên nhân.

Sự thật về câu chuyện cái bầu 21 tháng của con dâu, bà Thược khẳng định: “Giờ cái bụng của con dâu tôi đã xẹp xuống như bình thường. Nhiều hàng xóm xung quanh có bàn tán con dâu tôi mổ đẻ chết con hoặc mang bụng nước…”.

Khi biết đứa cháu trai trong bụng cô con dâu không hề tồn tại, bà Thược vô cùng bàng hoàng và thất vọng.

Cửa hàng tạp hóa của gia đình không có người bán kể từ khi chị Chiến bỏ đi. (Ảnh: Anh Thế)

Được biết hai vợ chồng anh Tuấn - chị Chiến cưới nhau đã gần ba năm nay, sống êm ấm, hòa thuận. Ngay sau khi kết hôn cùng anh Tuấn, chị Chiến có kể cho bà Thược biết là chị đã mang thai một tháng rưỡi. Một tháng sau, khi thai hai tháng rưỡi, chị Chiến lại thông báo rằng mình đã bị sảy thai và đã tự đi giải quyết.

“Khi vợ bảo do làm việc quá sức nên thai bị hỏng và đưa giấy kết luận của bác sĩ cho chồng xem, chồng nó có thắc mắc tại sao lại là tên người khác thì con dâu tôi bảo do bác sĩ viết nhầm. Đến bây giờ, khi biết sự việc con trai tôi mới giật mình về lần hỏng thai nhiều uẩn khúc trước đây của vợ nó. Cùng với việc mang thai hơn 21 tháng vừa xảy ra, tôi rất đau lòng và hoang mang” - bà Thược buồn rầu chia sẻ.

Nghi án đường dây “làm” thai giả?

Nhiều ngày gần đây, kể từ khi chị Chiến bỏ nhà đi, liên tục có nhiều người lạ tìm đến gần nhà bà Thược dò xét với vẻ mặt dữ tợn.

Bà Thược còn tiết lộ một thông tin: “Nhiều lần con trai tôi gặng hỏi vợ về sự việc thì vợ nó có bảo rằng được cho biết đến ngày sinh nở cứ mang 10 triệu đồng đến trước cổng Bệnh viện phụ sản sẽ có người mặc quần áo bác sĩ ra nhận tiền và đón vào sinh nở”.

Mới đây, anh Tuấn chồng chị Chiến nhiều lần gặng hỏi vợ sự thật thì nhận được câu trả lời: “Anh đừng hỏi nữa. Nếu em nói rõ sự thật, gia đình mình sẽ có người bị hại!”.

Bác sỹ Hoàng Văn Bình: Trường hợp của chị Nguyễn Thị Chiến không phải là thai thật. (Ảnh: Anh Thế)

Mang băn khoăn, nghi vấn về một đường dây “làm” thai giả, PV Dân trí đã tìm gặp bác sĩ Hoàng Văn Bình - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng An. Ông Bình cho biết: “Trong hồ sơ chúng tôi lưu trữ thì trên địa bàn xã không hề có trường hợp thai phụ nào thật sự mang thai 21 tháng mà chưa sinh nở. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Chiến không phải là thai thật. Thực tế, cũng chưa bao giờ chị Chiến khám thai trực tiếp tại trạm y tế xã. Đánh dấu việc chị Chiến mang thai hàng tháng là chúng tôi cũng chỉ dựa vào việc quan sát bụng to của chị”.

Còn bác sĩ Nguyễn Thị Huệ - người trực tiếp đại diện Trạm Y tế xã Hoàng An - động viên và thăm hỏi chị Chiến nhiều lần cho biết: “Ngay từ khi chị Chiến quá ngày sinh nở, trạm xá xã cũng đã nhiều lần đến nhà thăm hỏi và vận động chị Chiến cùng gia đình đến trạm xá khám thai nhưng chị Chiến khẳng định trừ những bệnh viện nước ngoài còn những bệnh viện lớn trong nước, chị đều đã đi khám thường xuyên và thai nhi vẫn tốt”.

Bác sĩ Bình cho biết thêm: “Sau khi dư luận bàn tán về sự việc chị Chiến mang thai 21 tháng, nhiều đồng nghiệp của tôi tại các xã lân cận trong huyện Hiệp Hòa có gọi điện hỏi thăm và cho biết tại một số xã hiện vẫn còn có một số trường hợp mang thai đến tháng 15, 16 tháng mà vẫn chưa sinh nở”.

Có hay không một đường dây “làm” thai giả mà nạn nhân là những phụ nữ đang khát khao được làm mẹ? Mong rằng các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang sớm làm rõ những bí ẩn xung quanh câu chuyện những người mang thai không bình thường này.

TS Lê Hoài Chương, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Phụ sản TƯ – Hà Nội), cho biết: Trong cả quá trình làm bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản tới nay, ông chưa từng nghe nói, chưa từng gặp trường hợp nào mang thai già ngày đến vậy, tính cả trên lý thuyết lẫn thực tế.

“Tuy không có phương tiện nào chẩn đoán chính xác thai nhi già tháng bao nhiều ngày, mà chỉ chẩn đoán gián tiếp bằng các hình ảnh, như siêu âm đo các chỉ số nước ối, đánh giá các độ trưởng thành của bánh rau bằng hình ảnh canxi hóa… nhưng tôi chắc chắn rằng, trước một thai phụ nói đã mang thai 21 tháng mà chưa đẻ thì không có một bác sĩ nào (kể cả bác sĩ tuyến dưới chứ không riêng tại BV Phụ sản T.Ư) lại bảo thai phụ về yên tâm chờ đợi mà họ sẽ phải theo dõi, chẩn đoán để mổ lấy thai nhi” - TS Chương khẳng định. (Hồng Hải)

Thế Cường

Những điều không thể bỏ qua trong cuốn sách cha giàu cha nghèo

Tại sao phải dạy con về tài chính?

Hầu hết mọi người không nhận ra rằng: trong cuộc sống, vấn đề không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào.

Điều đó cũng giống như trồng một cái cây vậy. Ban đầu, bạn sẽ phải mất rất nhiều công sức để chăm bón nó, đến một ngày nào đó, khi rễ cây đã đâm sâu vào lòng đất, cái cây đã đủ lớn để tự mình phát triển, bạn sẽ không cần phải tốn công chăm bón nữa mà vẫn có thể được hưởng những mùa quả ngọt lành.

Muốn cho cái cây tiền bạc của bạn phát triển, bạn phải có nhiều kiến thức về tài chính để biết chăm bón nó thật đúng cách.

Khi bắt đầu học cách làm giàu, tôi và Mike hãy còn là những đứa trẻ nên người cha giàu đã nghĩ ra một cách đơn giản để dạy chúng tôi. Trong nhiều năm, ông đã vẽ nhưng bức vẽ và sử dụng những từ ngữ đơn giản để Mike và tôi hiểu được những biệt ngữ và sự vận động của tiền bạc. Nhiều năm sau đó ông mới bắt đầu thêm vào những con số. Tuy đơn giản nhưng những bức vẽ này đã góp phần hướng dẫn hai đứa trẻ bé nhỏ trong một bài toán số học khổng lồ về tài chính, hình thành một nền tảng sâu sắc và kiên cố ...

Quy luật 1. Bạn phải biết sự khác nhau giữa tài sản (asset) và tiêu sản (liability), và để được giàu có, bạn phải mua tài sản.

Nghe thì có vẻ đơn giản đến buồn cười, nhưng hầu hết lại không biết được nó uyên thâm đến mức nào, vì họ không biết được sự khác nhau giữa một tài sản và một tiêu sản là ở đâu.

"Người giầu kiếm được tài sản. Người nghèo và người trung lưu chỉ thu được tiêu sản, nhưng họ nghĩ rằng họ đã kiếm được tài sản. " Khi người cha giàu giải thích điều này cho Mike và tôi, chúng tôi nghĩ ông đang nói đùa. Chúng tôi đang chờ đợi một bí mật làm giàu, vậy mà ông lại trả lời như thế đấy. Nó đơn giản đến mức chúng tôi phải khựng lại một lúc lâu để suy nghĩ về điều đó.

"Bác muốn nói tất cả những điều chúng con cần biết là : tài sản là gì, sau đó phải đi kiếm nó và rồi chúng con sẽ giàu có sao?" Tôi ngờ vực hỏi.

Người cha giàu gật đầu. "Đơn giản thế thôi."

"Nếu chỉ đơn giản như thế, tại sao những người khác lại không giàu được?" Tôi hỏi lại.

Người cha giàu mỉm cười. "Vì người ta không biết được sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản."

"Tại sao người lớn lại ngớ ngẩn thế nhỉ? Nếu đó chỉ là một điều đơn giản nhưng quan trọng thì tại sao người ta lại không muốn tìm hiểu?"

Người cha giàu phải mất vài phút mới giải thích được cho chúng tôi biết tài sản là gì và tiêu sản là gì.

Là một người lớn, tôi cảm thấy giải thích điều này với những người lớn khác thật khó khăn. Vì sao vậy? Vì người lớn khôn ngoan hơn. Gần như trong mọi trường hợp, hầu hết người lớn không nắm được sự đơn giản của một ý tưởng vì họ đựơc giáo dục khác nhau. Và một người lớn thông minh thường cảm thấy bị hạ thấp khi phải chú ý đến những khái niệm quá đơn giản.

Người cha giàu tin vào quy luật KISS - "Giữ Cho Đơn Giản" (Keep It Simple Stupid) - vì vậy ông cố làm cho mọi thứ trở nên thật đơn giản với hai chúng tôi . . .

Ông nói: "Những điều xác định nên một tài sản không phải là từ ngữ mà là những con số. Và nếu các con không biết đọc số thì các con không thể xác định được một tài sản trong mớ bòng bong ấy đâu."

Trong kế toán, vấn đề không phải ở bản thân những con số mà là những con số ấy nói lên điều gì. Cũng như từ ngữ vậy, vấn đề không phải ở bản thân từ ngữ mà là câu chuyện những từ ngữ ấy kể.

"Nếu con muốn trở lên giàu có, con phải đọc được và hiểu được những con số." Người cha giàu lặp đi lặp lại câu nói ấy cả ngàn lần với chúng tôi: "Người giàu kiếm được tài sản. Người nghèo và người trung lưu chỉ kiếm được tiêu sản."

Mô hình vòng quay của 1 tài sản

Hình hộp ở trên là Bản kê lợi tức, hay còn gọi là Bản kê lời lỗ. Nó đo các khoản thu nhập và chi phí, tiền vào và tiền ra. Cái hộp bên dưới là Bản cân đối thu chi. Nó được gọi như vậy vì nó đòi hỏi phải có sự cân đối giữa tài sản và tiêu sản. Lý do chính gây ra cuộc vật lộn tài chính đơn giản là vì người ta không biết được sự khác nhau giữa một tài sản và một tiêu sản. Nguyên nhân của sự nhầm lẫn chính là vì định nghĩa của hai từ này. Càng cố tra từ điển, bạn sẽ chỉ càng nhầm lẫn nhiều hơn thôi.

Người cha giàu đã nói với hai chúng tôi một cách đơn giản rằng: "Tài sản bỏ tiền vào túi các con, còn tiêu sản thì lôi tiền ra khỏi túi."

Nếu bạn muốn trở lên giàu có, hãy mua tài sản. Nếu muốn trở lên nghèo đi, hãy mua tiêu sản. Chính vì không phân biệt được sự khác nhau này mà rất nhiều người gặp các rắc rối về tài chính.

“Mù chữ” và “mù số” đều là nguyên nhân gây ra những khó khăn tài chính. Nếu người ta gặp khó khăn tài chính nghĩa là đang có một điều gì đó mà họ không hiểu được: hoặc những từ ngữ hoặc những con số. Người giàu phát tài được là nhờ họ “biết đọc biết viết” trong nhiều lĩnh vực khác nhau hơn những người đang phải vật lộn về tài chính. Vì vậy, nếu bạn muốn giàu có và giữ được của cải, bạn cần phải hiểu biết về tài chính, cả về từ ngữ lẫn những con số.

Mũi tên trong sơ đồ biểu thị vòng quay của tiền mặt. Chỉ toàn những con số thì thể hiện được rất ít. Chỉ toàn từ ngữ cũng không nói lên được gì nhiều. Đó là câu chuyện về sự tính toán. Khi báo cáo tài chính, việc đọc những con số nghĩa là đang nhìn vào cốt truyện, câu chuyện kể về nơi đến của vòng quay tiền mặt. Trong 80% các gia đình, câu chuyện tài chính kém vui không phảI vì họ không làm ra tiền mà vì họ dùng tiền để mua tiêu sản chứ không mua tài sản.

Ví dụ: Đây là vòng quay tiền mặt của một người nghèo hay 1 người trẻ tuổi đi làm

Đây là mô hình vòng quay tiền mặt của người trung lưu

Còn đây là vòng quay tiền mặt của người giàu có

Những sơ đồ trên thể hiện vòng quay tiền mặt trong cuộc sống người nghèo, người trung lưu và người giàu. Chính là vòng quay tiền mặt đang kể chuyện, câu chuyện về một người sử dụng tiền bạc của anh ta như thế nào, anh ta làm gì sau khi cầm tiền trong tay ...

Người ta thường nói rằng:"Tôi đang mắc nợ, vì vậy tôi phải đi kiếm tiền."

Nhưng có nhiều tiền thường không giải quyết được vấn đề, thật sự nó chỉ làm cho mọi chuyện trở lên trầm trọng hơn thôi. Tiền làm cho những sai lầm bi thảm của con người trở nên hiển nhiên. Chính vì vậy mà thông thường, khi người ta được hưởng một vận may bất ngờ - ví dụ như được thừa hưởng gia tài, tăng lương hay trúng số - trước sau gì thì họ cũng sẽ trở về với tình trạng tài chính hỗn độn như ban đầu, nếu không muốn nói là tệ hơn lúc đầu nữa. Tiền chỉ làm nổi bật mô hình vòng quay tiền mặt trong đầu bạn. Nếu bạn thường sử dụng hết mọi thứ bạn có thì gần như chắc chắn là việc tăng lương sẽ dẫn đến tăng chi tiêu.

Chúng ta thường kiếm tiền bằng kỹ năng nghề nghiệp của mình và đa số sinh viên rời trường mà không có một kỹ năng tài chính nào, nên dù hàng triệu người có học theo đuổi nghề nghiệp của mình một cách thành công, họ vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn tài chính. Họ làm việc vất vả nhưng không giàu được. Điều thiếu sót trong vốn học của họ không phải là làm thế nào để kiếm tiền, mà là làm thế nào để sử dụng tiền - kiếm được tiền rồi thì cần phải làm gì với chúng. Cái đó gọi là năng lực tài chính - bạn làm gì với tiền bạc sau khi đã kiếm ra chúng, làm sao để giữ không cho người khác chiếm lấy, bạn giữ chúng được bao lâu, tiền bạc sẽ làm việc cho bạn như thế nào?

Hầu hết những khó khăn tài chính người ta gặp phải là do họ không hiểu được vòng quay tiền mặt. Một người có thể được học hành tới nơi tới chốn, thành công trong sự nghiệp nhưng vẫn không hiểu gì về tài chính. Những người này thường phải làm việc nhiều hơn cần thiết vì họ đã học cách làm việc chăm chỉ, nhưng không được học cách buộc tiền bạc phải làm việc cho mình.

Câu chuyện về 1 giấc mơ tài chính trở thành 1 cơn ác mộng tài chính

Cuốn phim về những người làm việc chăm chỉ có sẵn một khuôn mẫu. Sau khi kết hôn những cặp vợ chồng trẻ liền thuê một căn hộ để ở. Vấn đề là căn hộ quá tù túng, nên họ quyết định phải tiết kiệm để mua một ngôi nhà trong mộng và có thể có con. Lúc này họ có hai nguồn thu nhập và họ bắt đầu tập trung vào sự nghiệp của mình. Thu nhập của họ bắt đầu tăng lên.

Chi phí số một của hầu hết mọi người là thuế: thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng khi tiêu xài, mua sắm hàng hoá ... Khi thu nhập tăng, chi phí tăng theo, số tiêu sản cũng sẽ tăng lên.

Có thể chứng minh bằng cách quay lại ví dụ của cặp vợ chồng trẻ. Kết quả của việc thu nhập tăng lên là họ quyết định sẽ đi mua ngôi nhà trong mộng. Khi dã có nhà, họ sẽ phải trả một thứ thuế mới gọi là thuế bất động sản. Sau đó họ mua một chiếc xe mới, đồ đạc mới và những dụng cụ mới để hợp với ngôi nhà mới của mình. Rồi họ bỗng giật mình nhận ra rằng phía cột tiêu sản đầy những món nợ cầm cố và nợ tín dụng.

Lúc này, họ rơi vào cái bẫy Rat Race. Rồi một đứa trẻ ra đời. Họ làm việc nhiều hơn. Nhiều tiền hơn và thuế cao hơn, gọi là đóng thuế theo thu nhập. Quá trình đó cứ lặp đi lặp lại.

Một tấm thẻ tín dụng được gới đến. Họ sử dụng nó. Nó hết hạn. Một công ty cho vay gọi đến bảo rằng "tài sản " lớn nhất của họ, ngôi nhà, được định giá cao. Công ty này đưa ra một món nợ bảo đảm (bill consolidation loan), và bảo rằng tốt hơn hết là thanh toán những món nợ lãi suất cao bằng thẻ tín dụng của họ. Bên cạnh đó, lợi tức nhờ mái nhà của họ chính là sự khấu trừ thuế. Họ làm theo điều đó, và thở dài nhẹ nhõm. Những tấm thẻ tín dụng đã được trả. Bây giờ họ gom những món nợ tiêu thụ lại thành một văn tự cầm nhà. Số tiền phải trả giảm xuống vì họ gia hạn món nợ đến 30 năm cơ mà.

Những người hàng xóm gọi điện rủ họ đi mua sắm, vì đang có đợt bán hàng giảm giá ... Một cơ hội để tiết kiệm chút ít tiền. Họ tự nhủ: "Tôi sẽ không mua gì cả. Tôi chỉ đi xem thôi." Nhưng ngay khi nhìm thấy một vật gì đó, họ lại lấy tấm thẻ tín dụng ra ...

Khi thu nhập tăng lên

Chi phí tăng ...... Số tiêu sản cũng tăng

Tôi thường gặp những cặp vợ chồng như thế. Tên họ thì khác nhau nhưng tình trạng tài chính thì giống nhau cả. Những thói quen tiêu xài đã buộc họ phải kiếm thêm nguồn thu nhập khác.

Họ không biết rằng chính cách tiêu xài tiền của họ, là nguyên nhân chính gây ra những cuộc vật lộn tài chính. Mọi chuyện là do không hiểu biết về tài chính và không phân biệt được sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản.

Người nghèo và người trung lưu rất thường cho phép tiền bạc làm chủ mình. Mỗi buổi sáng họ chỉ đơn giản thức dậy và đi làm mà quên tự hỏi rằng những điều mình đang làm có ý nghĩa hay không. Không am hiểu nhiều về tiền bạc, phần lớn mọi người để cho quyền lực đáng sợ của tiền bạc điều khiển mình.

Người ta thường làm một việc gì đó vì những người khác cũng làm như vậy. Họ thích ứng mà không chịu đặt câu hỏi. Họ lặp lại một cách không suy nghĩ những điều họ nghe được, những ý tưởng theo kiểu "căn nhà là cả một tài sản", "ngôi nhà là sự đầu tư lớn nhất của bạn", "hãy tìm một công việc an toàn", "đừng mạo hiểm"...

Khi mike và tôi 16 tuổi, chúng tôi bắt đầu làm việc cho cha Mike sau giờ học và mỗi cuối tuần. Chúng tôi thường ngồi cùng cha Mike trong khi ông tiếp những nhân viên ngân hàng, luật sư, kế toán viên, người môi giới, nhà đầu tư, nhà quản lý và những người lao động ...

Cha Mike đã không đi theo đám đông. Ông có những suy nghĩ riêng và ông rất ghét câu nói: "Chúng tôi phải làm vậy vì mọi người đều làm vậy." Ông cũng không ưa những từ như "không thể". Nếu bạn muốn ông làm một điều gì đó, chỉ cần nói khích rằng:"Tôi không nghĩ là anh có thể làm được điều đó."

Khi ngồi dự những buổi họp của ông, Mike và tôi học được nhiều thứ... Cha của Mike không được học nhiều ở trường nhưng ông rành về tài chính và cuối cùng đã thành công. Ông thường nói với chúng tôi"Một người thông minh thuê những người còn thông minh hơn anh ta nữa".

Chúng tôi bắt đầu hiểu ra vì sao ngưòi cha giàu bảo chúng tôi rằng: trường học được thiết kế để tạo ra những người lao động tốt chứ không phải những ông chủ giỏi.

Khi tôi 16 tuổi có lẽ tôi đã có một nền tảng tài chính tốt hơn nhiều so với cha mẹ tôi ... Một ngày kia, cha ruột tôi nói rằng ngôi nhà của chúng tôi là sự đầu tư lớn nhất của ông. Và thế là một cuộc tranh luận không lấy gì làm vui vẻ nổ ra khi tôi nói rằng, dồn tiền vào ngôi nhà chúng tôi đang ở không phải là một sự đầu tư tốt.

Những biểu đồ sau minh hoạ sự khác biệt về nhận thức giữa người cha giàu và người cha nghèo trong vấn đề nhà cửa Một người nghĩ rằng ngôi nhà là một tài sản, còn người kia nghĩ rằng nó là một tiêu sản.

Người cha giàu

Người cha nghèo

Tôi nhớ lúc tôi vẽ sơ đồ này cho cha tôi xem và chỉ cho ông hướng đi của vòng quay tiền mặt, những chi phí lệ thuộc khi làm chủ một ngôi nhà. Một ngôi nhà lớn nghia là chi phí lớn, và vòng quay tiền mặt sẽ tiếp tục đi ra ngoài qua cột chi phí.

Tiêu sản

Tôi biết rằng với nhiều người, một ngôi nhà đẹp là sự đầu tư lớn nhất của họ, dù rằng nó không phải là một tài sản mà là một tiêu sản, vì nó làm cho tiền ra khỏi túi nhiều hơn. Tuy nhiên, sẽ có nhiều người không đồng ý với tôi bởi lẽ một ngôi nhà đẹp rất dễ gây xúc cảm. Và khi nói đến chuyện tiền bạc thì những cảm xúc mạnh mẽ sẽ làm mờ đi trí thông minh tài chính.

1. Khi nhắc chuyện nhà cửa, tôi muốn nói rằng: hầu hết mọi người phải làm việc suốt đời để trả tiền cho một ngôi nhà mà họ không bao giờ thực sự được sở hữu. Nói cách khác, sau nhiều năm, hầu hết mọi người đều muốn mua một ngôi nhà mới, mỗi lần mua nhà sẽ dẫn đến một món nợ kéo dài nhiều năm trong khi nợ căn nhà trước còn chưa trả xong.

2. Nhà cửa không phải lúc nào cúng tăng giá. Điều mất mát lớn nhất là bạn để mất đi những cơ hội. Nếu bạn đầu tư toàn bộ tiền bạc cho ngôi nhà, bạn bị buộc phải làm việc vất vả hơn vì tiền bạc sẽ tiếp tục chuyển qua bên cột chi phí thay vì thêm vào cột tài sản, đó chính là khuôn mẫu kinh điển vòng quay tiền mặt của những gia đình trung lưu. Nếu ban đầu một cặp vợ chồng trẻ để dành nhiều tiền vào cột tài sản thì những năm sau này họ sẽ sống dễ dàng hơn, nhất là khi con cái đến tuổi đi học. Tài sản của họ sẽ phát triển lên và có thể giúp họ kiểm soát các chi phí. Thông thường thì có một ngôi nhà cũng giống như gánh một món nợ trị giá nhà phải trả và làm tăng các chi phí của bạn.

Tóm lại, kết quả cuối cùng khi quyết định sở hữu một căn nhà quá đắt tiền thay vì nên bắt đầu một danh mục vốn đầu tư, sẽ tác động mạnh vào một cá nhân theo ít nhất là ba cách:

1. Mất thời gian, trong lúc những tài sản khác có thể sẽ được nâng giá trị lên.

2. Mất một phần vốn, vì số tiền đó có thể được đem đi đầu tư thay vì phải trả các chi phí bảo quản trực tiếp liên quan đến ngôi nhà.

3. Mất cơ hội rèn luyện. Người ta thường coi ngôi nhà, tiền tiết kiệm và kế hoạch lương hưu là tất cả những gì họ có trong cột tài sản. Vì không đầu tư nên họ để mất đi những kinh nghiệm đầu tư và sẽ không bao giờ có thể trở thành "những nhà đầu tư sành điệu".

Tôi không nói bạn đừng mua nhà. Tôi muốn nói, hãy hiểu được sự khác nhau giữa một tài sản và một tiêu sản. Khi muốn có một căn nhà lớn hơn đầu tiên tôi phải mua một số tài sản để có thể phát sinh vòng quay tiền mặt đủ trả cho ngôi nhà ấy đã.
Những bản kê tài chính cá nhân của cha ruột tôi là minh chứng tốt nhất cho cuộc sống của một con người trong vòng Rat Race. Các chi phí của ông dường như luôn đuổi kịp các thu nhập, không hề cho phép ông đầu tư vào một tài sản nào. Kết quả là số tiêu sản của ông, ví dụ như những món cầm cố hay nợ thẻ tín dụng, còn lớn hơn cả số tài sản. Những bức tranh sau còn có giá trị hơn cả ngàn từ ngữ:

Bản kê khai tài chính của cha nghèo

Trái lại, bản kê tài chính cá nhân của người cha giàu lại phản ánh kết quả của một cuộc sống dành cho việc đầu tư và giảm đến mức tối thiểu các tiêu sản.

Bản kê khai tài chính của cha giàu

Xem lại bản kê tài chính của người cha giàu ta sẽ hiểu tại sao người giàu càng ngày càng giàu hơn. Cột tài sản làm phát sinh nhiều thu nhập hơn số cần thiết cho các chi phí, và chúng lại được đem đầu tư lại vào cột tài sản. Cột tài sản sẽ ngày càng phát triển và vì vậy mà số thu nhập sẽ ngày càng nhiều hơn.

Kết quả là người giàu ngày càng giàu hơn.
Lý do khiến người giàu ngày càng giàu hơn

Những người trung lưu luôn gặp phải những khó khăn tài chính không dứt vì thu nhập chính của họ là tiền lương, và khi tiền lương tăng thì thuế cũng tăng. Mà khi lương tăng thì các chi phí của họ cũng có khuynh hướng gia tăng bằng số tiền dư, vì vậy mà xuất hiện cụm từ "Rat Race". Họ xem ngôi nhà như một tài sản lớn nhất trong khi nó thực ra là một loại tiêu sản, thay vì phải đầu tư tiền bạc cho những tài sản thật sự có thể tạo ra thu nhập.
Khuôn mẫu của việc xem ngôi nhà như một sự đầu tư và triết lý cho rằng: lương tăng có nghĩa là bạn có thể mua một ngôi nhà lớn hơn, hay tiêu xài nhiều hơn, chính là nền tảng cho một xã hội đầy nợ nần như ngày nay. Quá trình gia tăng chi phí đẩy nhiều gia đình đến những món nợ ngày càng lớn hơn và tình trạng tài chính không chắc chắn hơn, dù rằng có thể họ đang được thăng tiến trong công việc và được trả lương cao hơn mức bình thường.
Lý do khiến người trung lưu luôn gặp phải khó khăn về tài chính

Bi kịch ở đây là việc thiếu kiến thức tài chính ban đầu đã tạo ra những rủi ro mà giai cấp trung lưu phải đối mặt. Lý do họ muốn được an toàn là vì vị thế tài chính của họ quá mong manh. Bản cân đối thu chi của họ không cân bằng. Chúng chịu gắng nặng quá nhiều tiêu sản mà không có một tài sản thực sự nào làm phát sinh thu nhập cả. Thông thường, nguồn thu nhập duy nhất của họ là tièn lương. Sinh kế của họ phụ thuộc vào các ông chủ.

Vì vậy, khi đến lượt mình được cuộc sống "chia bài", những người này không thể nắm bắt được những cơ hội tốt. Họ muốn được an toàn đơn giản vì họ đang phải làm việc vất vả, trả thuế ở mức cao nhất và gánh hàng đống nợ nần...

Như tôi đã nói ở phần trước, quy luật quan trọng nhất là biết được sự khác nhau giữa tài sản và tiêu sản. Một khi bạn đã hiểu được những khác biệt này, hãy tập trung mọi nỗ lực để mua những tài sản có khả năng phát sinh thu nhập. Đó là cách tốt nhất để bắt đầu con đường làm giàu. Cứ tiếp tục như vậy, cột tài sản của bạn sẽ tăng lên. Cố gắng chiết giảm tiêu sản và chi phí xuống, bạn sẽ có nhiều tiền hơn để đổ vào cột tài sản. Chẳng mấy chốc thì nền tảng tài sản của bạn sẽ vững vàng đến mức bạn có thể nghĩ đến việc đầu tư...

Giới trung lưu gọi việc đầu tư là một hành động "mạo hiểm". Thật ra bản thân việc đầu tư không hề mạo hiểm. Chính sự thiếu thông minh nhanh nhạy về tài chính và thiếu những kiến thức tài chính đơn giản mới là nguyên nhân gây ra sự mạo hiểm.

Nếu bạn làm theo những điều mà đa số mọi người thường làm, nói chung công việc của bạn sẽ như thế này:

1.Nuôi chủ. Hầu hết những người làm việc hưởng lương đều làm cho các ông chủ hay những cổ đông giàu hơn. Những nỗ lực và thành công của bạn sẽ giúp cho người chủ thành công hơn và có nhiều tiền hơn.

2. Nuôi chính quyền. Chính quyền nhận phần mình trong số lương của bạn thậm chí trước khi bạn nhìn thấy nó nữa. Khi cố gắng làm việc chăm chỉ hơn, chỉ đơn giản là bạn đang làm gia tăng số thuế phải nộp cho chính quyền.

3. Nuôi ngân hàng. Sau khi trả thuế, chi phí lớn nhất kế tiếp thường là những món nợ tín dụng.

Vấn đề là khi bạn cố gắng làm việc chăm chỉ hơn thì ba giới trên sẽ lấy đi một phần chia lớn hơn trong những nỗ lực của bạn. Vì vậy, bạn phải học cách làm thế nào để cho các nỗ lực của bạn có thể làm tăng lợi nhuận trực tiếp cho bản thân và gia đình mình.

Một khi bạn đã quyết định tập trung hết tâm trí để chăm nom việc kinh doanh riêng, bạn sẽ xác định một mục tiêu như thế nào? Với hầu hết mọi người, họ phải giữ lấy nghề nghiệp của mình và dựa vào tiền lương để kiếm tài sản.

Khi tài sản lớn lên, họ sẽ đo mức độ thành công như thế nào? Khi nào người ta mới nhận ra rằng mình đã giàu có, đã có tiền? Ngay khi biết được những định nghĩa về tài sản và tiêu sản, tôi cũng đã định nghĩa riêng cho mình về sự có tiền. Đúng ra tôi đã mượn định nghĩa này của một người bạn tên là Buckminster Fuller. Anh ấy nói: "Sự có tiền chính là khả năng tồn tại của một người trong một số ngày sắp tới..." hay nói cách khác, nếu hôm nay bạn ngưng làm việc thì bạn sẽ tồn tại được bao lâu?

Sự có tiền chính là sự đo vòng quay tiền mặt bên cột tài sản so với cột chi phí.

Hãy lấy một ví dụ nhỏ. Giả sử vòng quay tiền mặt bên cột tài sản của tôi là 1.000$ một tháng. Còn số chi phí hàng tháng của tôi là 2.000$. Vậy khả năng tiền mặt của tôi như thế nào?

Quay về với định nghĩa của Buckminster Fuller. Nếu xét một tháng 30 ngày thì tôi sẽ chỉ có đủ số tiền tiêu dùng trong nửa tháng.

Khi đạt đến mức vòng quay tiền mặt bên cột tài sản là 2.000$ một tháng, tôi sẽ trở nên có tiền.

Như vậy nghĩa là tôi chưa giàu có, nhưng tôi có tiền. Lúc này mỗi tháng tôi sẽ có những thu nhập mới phát sinh từ những tài sản có thể giải quyết vấn đề chi phí hàng tháng cho mình. Nếu muốn tăng chi phí, đầu tiên tôi phải tăng vòng quay tiền mặt từ số tài sản để có thể duy trì sự có tiền này. Chú ý rằng vào thời điểm này, tôi không còn bị phụ thuộc vào tiền lương nữa. Tôi phải tập trung vào và phải thành công trong việc xây dựng cột tài sản đã giúp tôi trở nên sung túc về tài chính. Nếu hôm nay tôi nghỉ việc, tôi vẫn có thể trang trải các chi phí hàng tháng nhờ vòng quay tiền mặt tài sản của mình.
Mục đích kế tiếp là phải có dư một số tiền trong vòng quay tiền mặt để đầu tư trở lại vào cột tài sản. Càng nhiều cột đầu tư vào cột tài sản thì nó sẽ càng phát triển. Và chỉ cần giữ được số chi phí thấp hơn số tiền mặt phát sinh từ những tài sản này thì tôi sẽ càng trở nên giàu hơn, với ngày càng nhiều thu nhập từ những nguồn khác ngoài sức lao động của mình.
Hãy nhớ:
Người giàu mua tài sản
Người trung lưu mua những tiêu sản mà họ nghĩ là tài sản
Người nghèo chỉ có toàn chi phí
Sưu tầm sau khi đọc xong cuốn sách hay.